Kinh nghiệm ăn dặm kiểu Nhật ?

1.585

Mít đến giai đoạn ăn dặm. Mẹ Ổi Mít muốn viết lại đây kinh nghiệm nuôi con xương máu về những sai lầm trong nuôi con kiểu Việt Nam, và những học hỏi đã học được ở bên này, để tự lên giây cót cho mình lần này chăm Mít, để chia sẻ kinh nghiệm với những bà mẹ Việt Nam khác. Thậm chí là lời kêu gọi tha thiết, bởi vì mẹ Ổi đã quá ngấm “xương máu”, mà hàng ngày vào WTT vẫn thấy 100% các bà mẹ ở VN vẫn đang nuôi sai phương pháp, để rồi 99% nuôi con rất vất vả, đau đầu mãi về chuyện ăn uống của con. Đây là những chủ đề sôi động trên diễn đàn chăm sóc trẻ con ở VN:

–    Con chán ăn, lười ăn. Nhìn thấy bát cháo là quay mặt đi.

–    Ăn phải đi rong, bật ti vi, cả nhà phải làm đủ trò…, thậm chí là bóp miệng con nhét cháo vào.

–    Ăn ngậm: Ngậm cơm, cháo cũng ngậm chảy nước ra. Mẹ quát, con sợ thì mới nuốt.

–    Đổi vị đủ thứ cũng không làm con thích. Sao nấu ngon thế mà nó không ăn?

–   Thử cho ăn cơm thì bé không biết nhai. Làm sao để con biết nhai? Con nhà tôi gần 2 tuổi rồi mà không biết nhai, toàn nuốt chửng. Ăn hơi thô là ọe. Mẹ giải thích làm mẫu thế nào cũng không được.

–   Có bé biết nhai nhưng chỉ ăn chơi chơi, không chịu ăn nhiều cơm, hoặc nhai rồi nhè không nuốt được.

Với những đứa lớn rồi, biết nhai rồi, 3-4 tuổi rồi thì vẫn:

–    Ăn chậm và rất chậm.

–    Lười nhai, hơi tý thì nhè ra.

–    Không tự xúc, phải đút mới ăn…

Đó là những vấn đề chung ở Việt Nam hầu như đứa trẻ nào cũng mắc, phổ biến tới mức mọi người cho đó là đương nhiên, trẻ con là thế. Nhưng thực ra, không đứa trẻ nào ở đây như vậy, có chăng là có đứa ăn ít, đứa ăn nhiều, còn tất cả các vấn đề còn lại là chuyện lạ đối với họ. Những cảnh mẹ bê bát cháo chạy theo con, thỉnh thoảng đút một thìa ở đây không bao giờ có. Việc ăn/cho con ăn đối với trẻ con ở nhà chỉ như là nhồi dinh dưỡng cho con, trong khi đáng ra việc ăn phải là một trong những sự sung sướng của con người/sinh vật nói chung.  Dinh dưỡng chỉ là 1 trong những mục đích của việc ăn. Chính lúc bé vui vẻ trong bữa ăn cũng là lúc bé phát triển trí tuệ, tình cảm, vì bé học được các mùi, vị, cảm nhận được tình cảm gia đình đầm ấm, vui vẻ trong bữa ăn. Chứ để xảy ra những vấn đề trên thì thành ra, cái “sự ăn của trẻ” lại là việc stress của bố mẹ, con cái, ảnh hưởng đến phát triển tinh thần của bé.

Tại sao lại có sự khác nhau mang tính hệ thống như vậy? Có phải là do cách nuôi khác nhau? mà theo mẹ Ổi, cách nuôi ở Việt Nam có một sai lầm cơ bản là: thời gian cho bé ăn bột/cháo quá lâu do quan niệm sợ bé bị đau dạ dày, do ý nghĩ chưa có răng hàm thì không ăn thô được. (trẻ nên ăn cháo đến 2 tuổi).

Thời kỳ ăn dặm:

Theo bản năng, hay còn gọi là mụ dạy, tầm từ tháng thứ 8 đến 1 tuổi, thời kỳ mọc răng, bé sẽ tự nhiên có phản xạ nhai. Ở Nhật, người ta tập nhai cho bé theo giai đoạn phát triển bản năng này. Nghĩa là thời gian bé tập ăn dạng nhuyễn như bột rất ngắn, chỉ khoảng 1-2 tháng, chủ yếu để bé quen thìa và tập dùng lưỡi đưa thức ăn vào họng để nuốt. Từ tháng thứ 7-8 trở đi, bé đã ăn thô hơn một chút-cháo hạt loãng, 9-11 tháng cháo hạt đặc, 1-1,5 tuổi bé nhai tốt và có thể ăn cơm nát-cơm thường. Tuy nhỏ như vậy nhưng bé biết nhai và có thể ăn thô một cách dễ dàng tự nhiên như trẻ 1 tuổi thì sẽ biết đi vậy. Chính nhờ bé có thể ăn đa dạng sớm và không có giai đoạn nào bé phải ăn một dạng thực phẩm quá lâu dài đã giúp bé ăn ngon miệng hơn.

Mọi người ở VN thường có lo lắng, ăn cơm sớm như vậy sẽ đau dạ dày.  Thật ra thì trẻ con Nhật tập ăn như vậy bao đời nay mà người Nhật họ vẫn sống lâu và sống khỏe đấy thôi. Chưa có người Nhật nào nghe mẹ Ổi nói về lo lắng này lại tỏ ý nghi ngờ đồng tình.  Cũng không chỉ có Nhật mà ở các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh Pháp … họ đều cho bé tập ăn như thế. Về phương diện khoa học, mẹ Ổi tin là họ có nhiều nghiên cứu đáng tin cậy hơn VN. Hơn nữa theo thiển ý của mẹ Ổi, tạo hóa sinh ra mọi thứ đều tương xứng với nhau. Nếu con rắn ăn bằng cách nuốt chửng thì cơ chế tiêu hóa của nó sẽ giúp nó tiêu được thức ăn không cần nhai. Con bò chỉ có răng hàm dưới mà không có hàm trên thì sẽ có cái dạ dày tương ứng với độ nhai thức ăn của nó. Cũng như thế, nếu con người có phản xạ nhai lúc 8 tháng thì không có lẽ gì cái dạ dày lại chỉ thích ứng với kiểu ăn nuốt chửng đến 2 tuổi. Sau đó lại phải ra sức tập nhai cho bé một cách khó khăn. Đó mới là phản tự nhiên. Ăn cháo mãi, chán ăn sợ ăn rồi lại cho uống thuốc kích thích tiêu hóa để bé thèm ăn mới là phản khoa học. Ở đây hoàn toàn không có khái niệm này.

Tìm hiểu thêm về sự liên quan giữa bệnh dạ dày và ăn thô sớm, chưa tìm được nghiên cứu nào khẳng định điều này, ngược lại mẹ Ổi được biết hóa ra bấy lâu nay người ta đã nhầm khi qui cho bệnh dạ dày có nguyên nhân từ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt.. Kỳ thực, bệnh có nguyên nhân chính là do một loại vi khuẩn mang tên Helicobacter Pylori. Phát hiện này mới được công nhận không lâu và đã làm thay đổi 180 độ phương pháp chữa trị bệnh dạ dày hiện nay. Các vấn đề như sinh hoạt, stress, chế độ ăn chỉ là xúc tác khiến bệnh nặng hơn chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh. Tỷ lệ người mắc bệnh dạ dày ở VN thuộc diện cao so với thế giới cho dù người VN ăn cháo lâu như vậy, vì môi trường vệ sinh ở VN kém. Các bạn có thể search trên google với từ khóa: Bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng là có thể ra rất nhiều thông tin về vấn đề này. Đây là một ví dụ: http://dactrung.net/baiviet/inbai.aspx?BaiID=CnCq0%2Fcmi5y2SD%2ByVqWk9w%3D%3D

Ở VN thường là các bé được cho ăn bột đến gần 1 tuổi, rồi tiếp tục ăn cháo đến 2 tuổi. Trong khi thực tế thì hiếm bé nào hào hứng ăn cháo ngon lành đến 2 tuổi. Phần lớn chỉ trên dưới 1 tuổi là bắt đầu có phản ứng chán cháo rồi. Nhiều người không nghĩ đến thử cho bé ăn cơm, bé chán cũng phải ăn cháo tiếp, cũng có nhiều bé tỏ ý muốn ăn cơm rõ ràng nhưng vì sợ hại dạ dày mà cha mẹ vẫn cố gắng ép bé ăn cháo. Khổ cả mẹ lẫn con. Bố mẹ phải tìm đủ mọi cách dỗ bé ăn: cho bé vừa ăn vừa xem tivi, bế đi ăn rong, vừa ăn vừa chơi đồ chơi…Nhân lúc bé để ý cái khác để đút trộm 1 thìa vào miệng bé. Bố mẹ thấy bé chịu ăn, nhồi được vào bụng bé là thỏa mãn. Nhưng bé ăn mà không biết là mình ăn, không biết ngon miệng là gì. Dần dần bé dửng dưng với ăn uống. Khi mẹ cố công đổi món cũng không thay đổi được tình hình. Cứ ăn là lắc cái đã. Cũng vì không thích ăn, không chủ động ăn mà bị đút vào miệng nên nhiều đứa mắc tật ngậm. Mẹ đút cái gì vào mồm à, thì cứ để đó vậy. Có đứa còn phun ra phì phì.,,làm bố mẹ tức phát điên, hoặc ngán quá mà dễ nôn ọe. Có đứa nhìn thấy bát đã sợ khóc, trốn, hay quen nuốt chửng nên khi ăn thô hơn là dễ ọe….Việc cho con ăn cứ như là cực hình với cả bố mẹ lẫn con cái. Nhưng không thì chẳng biết làm sao để bé ăn. Sai lầm nọ kéo theo sai lầm kia. Cũng có những bé vẫn chịu ăn cháo tuy không hào hứng nhưng cũng không đến nỗi quá khó khăn cho bé ăn thì bố mẹ cứ yên tâm với suy nghĩ là bao giờ đến 2 tuổi thì ăn cơm, hoặc bao giờ bé chán quá hẵng hay. Nhưng tầm 1 tuổi rưỡi -2 tuổi, khi bố mẹ thầm mong chuyển sang cơm thì con sẽ ăn ngoan, thì thật tai hại là lúc ấy đã qua thời kỳ bản năng, một số bé quên mất kỹ năng nhai, chỉ quen nuốt chửng. Thế là gặp phải vấn đề tiếp theo: Nguy cơ bé không biết nhai, không ăn được cơm dù đã rất chán cháo. Việc tập cho con ăn cơm khá vất vả, bố mẹ dạy làm sao bằng bản năng tự nhiên được. Trường hợp của Ổi chính là như thế này. Có bé thì biết nhai nhưng đã quen ăn nuốt chửng quá lâu nên lười nhai, chỉ nhai chơi chơi một chút thì được, chứ ăn cả bát cơm là khó. Và nhiều người thấy con không ăn được cơm lại quay lại cháo và lại diễn lại bài ca ép con ăn. Như Ổi thì 16 tháng thử cho ăn cơm đã không còn phản xạ nhai. Sau nửa năm vật lộn đủ mọi cách, cuối cùng đành phải giở đến bài nhai cơm dù biết là không khoa học, thì con mới có phản xạ nhai trở lại. Có vẻ như bài nhai cơm của các cụ cũng có lý do của nó.

– Kém kỹ năng nuốt nên đến lớn vẫn ăn chậm: Việc ăn cháo quá lâu còn dẫn đến một tai hại nữa là làm họng bé chỉ quen nuốt những đồ nhuyễn. Vì thế ngay cả khi đã lớn, đã ăn được cơm nhưng vẫn ăn chậm vì nhai rất lâu. Kỹ năng nhai và kỹ năng nuốt thô kém khiến bé nhai mãi nhai mãi mới nuốt được. Quan sát Ổi ăn cơm cùng các bạn ở lớp, mẹ Ổi mới nhận ra tại sao con ăn chậm hơn các bạn ngay cả khi con rất tập trung và cố gắng ăn nhanh.

Nói thêm là Ổi tâp ăn cơm từ 1 tuổi rưỡi, 2 tuổi thì hoàn toàn ăn cơm theo bố mẹ –  theo kiểu VN thì cũng là bình thường, không phải dạng kém cỏi chậm tiến gì lắm. Ổi cũng không mắc chứng ngậm, không phải ăn rong, ngồi đàng hoàng từ bé, cho ăn cũng không quá khó. Nói chung về VN còn thuộc diện ngoan, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để mẹ đánh mất niềm vui ăn uống của con, để đến tận bây giờ vẫn còn chịu hậu quả. Ở đây thấy con người ta mới thấy thèm.

– Không tự xúc cũng do ăn cháo lâu quá: Việc ăn thô/khô sớm sẽ dễ dàng cho bé tự ăn hơn Bé ngoài 1 tuổi sẽ xuất hiện ý muốn bắt chước bố mẹ tự xúc, tự ăn. Tầm 15-16 tháng, tay bé đã khá khéo để có thể cho thức ăn vào miệng. Nhưng nếu là cháo thì bé xúc thìa khó, cũng không bốc ăn được, bố mẹ phải đút cho con. Tất nhiên kèm với đó là bé đã chán ăn cháo rồi thì làm sao có chuyện bé tự xúc ăn. Khi bé VN ăn được cơm là lúc khoảng 2 tuổi (hoặc hơn), thì chúng đã quá quen với việc ăn là phải được đút. Thế là cứ thế tiếp diễn bài ca đút cơm. Có bé đến 3-4 tuổi, ăn cơm rồi cũng vẫn phải đút. Hoặc có tự xúc thì cũng rất lề mề chậm chạp. Quen được người khác phục vụ rồi mà…

Bọn trẻ ở đây hơn 1 tuổi đã học dùng thìa, dĩa tự ăn, bê cốc tự uống. Bé thích ăn nên tự ăn, và được khuyến khích tập. 1,5 tuổi đã có thể ăn khá thành thạo. Bố mẹ chỉ ngồi giám sát, và giúp đỡ thôi. Ăn một bữa rất nhanh vì chúng ăn tự nguyện chứ không phải do người khác nhét vào mồm mình. Trẻ con 2 tuổi, lũn chà lũn chũn tự mình chọn món ăn, tự mình xử lý đống đồ ăn, kết thúc bữa ăn cùng bố mẹ rất độc lập, nhanh nhẹn.

Vấn đề thực ra không chỉ là bố mẹ nuôi con nhàn hay vất vả, không phải chỉ cứ chấp nhận vất vả là ổn. Mà việc nuôi con kiểu VN còn có một tác hại lâu dài lớn hơn, đó là làm thui chột ý thức tự giác, tự lập của bé khi vào thời kỳ bé muốn tự làm mà không được làm, khiến bé trở nên thụ động. Ngày 3 lần, ngày này qua tháng nọ bị ép uổng, quát tháo, dọa nạt, vả cả dỗ dành chiều chuộng chỉ vì cái sự ăn là nguy cơ khiến bé một mặt thì đành hanh vô lối, một mặt lại nhút nhát, thiếu tự tin, ỉ lại vì quen làm theo ý chí người khác. (đặc điểm chung của trẻ con ở VN khác biệt so với trẻ nước ngoài). Tất nhiên điều này còn do cách nuôi dạy hàng ngày chứ không chỉ chuyện ăn. Nhưng cách nuôi ăn là một trong những biểu hiện rõ rệt của việc chăm bẵm quá mức một cách thiếu khoa học dẫn đến hậu quả trên. Hơn nữa, người ta có câu: cảm xúc của mẹ sẽ truyền sang con. Có chắc là mẹ sẽ không bao giờ bực bội trong suốt mấy năm con ăn uống với những tật ở trên không? Mẹ vui thì con vui, mẹ buồn bã căng thẳng con cũng sẽ stress theo. Có một lần ở đây, mẹ lỡ đánh Ổi, rồi sau đó mẹ ân hận quá, đem kể chuyện với chị hàng xóm có bạn học cùng Ổi. Chị ấy an ủi một câu mà làm mẹ Ổi càng đau khổ hơn: “Tôi cũng đã có 1 lần đánh con rồi đấy. Không sao đâu, sau đó nhớ xin lỗi con nhé”. Trời ơi, thằng bé đã hơn 5 tuổi mà chị ấy mới chỉ có 1 lần tét con thôi. Thế mà mình thì không thể nhớ được đã bao nhiêu lần nghiến răng chỉ vì chuyện ăn uống của con rồi. Huhu….. Thương con quá.  Ổi là cậu bé mà khi về VN ai cũng thích vì so với trẻ con ở nhà, Ổi rất ngoan, hồn nhiên, tự lập không bao giờ õng ẹo đỏng đảnh đòi hỏi vô lý… nhưng cũng chính vì thế mà khi nghe con tự nhận: “Con ăn không ngoan” mẹ  cảm thấy nhói đau trong lồng ngực, cảm thấy như mình đánh mất một cái gì đó vô cùng quí giá của con. Không đau làm sao được khi một đứa trẻ có bao nhiêu thứ để tự hào như Ổi mà có một thứ chỉ nói đến con đã tin chắc là mình kém cỏi? Làm sao để nuôi dưỡng lòng tự tin của con khi mà một ngày 3 lần con đần mặt ra nghe bố mẹ giục giã ăn cơm? một ngày con được khen bao nhiêu lần và cảm giác mình tệ bao nhiêu lần???

Xin nói thêm rằng: Não của trẻ mới sinh chỉ có 400 gr, lúc 9 tuổi là 1050gr, và trưởng thành 20 tuổi là 2000gr. Và ai cũng biết rằng, khoa học hiện đại khuyên các ông bố bà mẹ tìm đủ mọi cách kích thích não bé trong thời gian não phát triển, kích thích càng sớm càng tốt qua các giác quan: Mắt, tai, mũi, miệng, da. Điều này có nghĩa là giúp bé enjoy ăn uống không chỉ có lợi về phát triển tinh thần, mà còn là một trong những cách kích thích não bé phát triển, giúp bé thông minh hơn nữa đấy. (trích tạp chí nuôi dạy ăn uống của trường học của Ổi).

Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: Không có răng thì nhai làm sao được? Thực ra chỉ cần vài cái răng chúng nó vẫn nhai tốt, nếu được tập đúng thời kỳ và chế biến đồ ăn hợp lứa tuổi.

Còn bé Mikku chan nhà bà Etchan, 1 tuổi (6 răng) nhai dưa chuột rau ráu, 1 tuổi rưỡi đến nhà Ổi chơi làm mẹ Ổi mắt tròn mắt dẹt. Bát phở nó xơi tái trong chốc lát cả phở lẫn thịt gà miếng to sụ, phở không cần phải cắt ngắn gì hết. Hút tụt vào mồm trệu trạo rồi nuốt luôn như người lớn. Nó ăn xuất của nó hết trước người lớn, còn Ổi thì còn phải ngồi chán chê sau khi mọi người đã đứng lên. Nhưng bà và mẹ nó đều khẳng định, nó hoàn toàn là một đứa bình thường như mọi đứa khác, không siêu gì hơn cả.

Mikku-chan (1,5 tuổi). ăn phở. Bát đầy thế kia chỉ 10-15 phút là bay hơi vào bụng hết.

Vì vậy, nếu không muốn sau này vất vả với việc ăn của con (đến tận bao giờ chưa biết) thì, điểm mấu chốt quan trọng là phải tập cho bé ăn thô đúng thời kỳ. Chúng ăn được thô, đặc sớm sẽ đa dạng hóa được bữa ăn sớm, duy trì tình yêu ăn uống của bé, không bị chán ăn do phải ăn cháo mãi, không bị tình trạng ép uổng lâu dài gây ấn tượng sợ ăn. Ăn phải nhai còn tiết nhiều dịch vị giúp bé ngon miệng, tiêu hóa tốt, lại thèm ăn….ăn cháo chỉ nuốt chửng hạn chế tiết dịch vị nên bé càng chán ăn.

Ăn khô sớm sẽ giúp bé dễ dàng để tập tự ăn đúng thời kỳ bé muốn tự làm.

Cách chế biến: Một điểm khác biệt nữa cũng đáng học tập là cách chế biến thức ăn cho trẻ. Ở VN thường nấu bỏ chung thịt, rau, ..với gạo, ra một bát cháo cho bé ăn cả bữa 1 vị đó. Thử nghĩ mà xem, người lớn ăn cơm bữa ăn cũng có vài món thức ăn. Miếng này rồi đổi miếng kia cho đỡ ngán, thì trẻ con cũng vậy thôi.

Hơn nữa, việc nấu lộn như vậy làm cho bát cháo dù có thay đổi kết hợp thịt cá tôm cua với rau cỏ kiểu gì thì về cơ bản vẫn ra 1 vị same same nhau. Người lớn thỉnh thoảng mới nếm 1 tẹo thì thấy ngon, chứ còn bé phải ăn cả bát, mà ăn cả ngày, ăn dài dài món cháo vị giống giống nhau đó nên chán ăn cũng là dễ hiểu.

Ở đây từ nhỏ họ đã hay cho ăn riêng các món. Có thứ nọ thứ kia mỗi thứ 1 tý, mỗi thứ một vị khác nhau. Có khi bé không ăn hết 1 món, nhưng lại ăn hết món khác, mẹ cũng thấy tạm hài lòng.

Một khía cạnh nữa là cho ăn riêng bé mới thực sự được nếm và tập với vị riêng của từng loại thực phẩm từ nhỏ, để sau này bé ăn được nhiều thứ. Hồi trước mẹ Ổi rất ngạc nhiên thấy nhiều trẻ Nhật thích ăn cơm trắng, giờ thì Mít cũng thích cơm trắng như ai. Còn với cách nấu cháo hổ lốn rau thịt, vị rau không rõ, vị thịt/cá càng không. Nên thực ra gọi là tập cho con ăn đa dạng, nhưng chủ yếu là tập về tiêu hóa (cơ thể có đáp ứng được ko, có dị ứng không, có ỉa chảy không….) và đa dạng về dinh dưỡng, chứ hầu như không có tác dụng tập cho bé về khẩu vị. Thử hỏi các bé có phản ứng rõ rệt là thích ăn cháo thịt rau ngót chẳng hạn, mà ghét cháo cá mồng tơi chẳng hạn không? Câu trả lời là không rõ ràng. Khi nào bé còn hứng khởi với món cháo nói chung thì bé còn ăn, mà khi nào bé đã chán cháo thì cháo gì bé cũng chẳng ăn cho.

Rồi sau này khi lớn ăn cơm, lúc ấy bé mới bắt đầu tập ăn lại từ đầu từng món thịt/cá, từng loại rau…Lúc ấy mới thấy bé không ăn cá, bé ghét ăn thịt, bé chỉ ăn rau nọ, không ăn rau kia…và lúc ấy mới lại tập dần từng món, nhiều trẻ ăn rất thiên lệch.

Như vậy, một típ nữa để giúp bé ăn đỡ ngán là nấu riêng từng món, đồng thời cũng giúp bé được challenge với nhiều khẩu vị luôn từ nhỏ.

Lượng ăn và ép ăn:

Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa làm bọn trẻ ở VN chán ăn là bị ép ăn quá nhiều. Lượng ăn tiêu chuẩn theo sách bs dinh dưỡng khuyên là 200ml/bữa, nhiều gấp 2-3 lần bữa ăn của trẻ Nhật giai đoạn đầu. Xem thực đơn mẫu cho trẻ 2-3 tuổi của Viện dinh dưỡng Trung ương mà ặc ặc…người lớn cũng không chắc đã ăn nổi chứ đừng nói đến trẻ con: 6 giờ 2 lưng bát con cơm nát với thức ăn rau, thịt, canh + 1quả chuối tiêu. 8 giờ mời con xơi tiếp 1 bát cháo trứng 200ml … ặc ặc… (nguồn tham khảo: http://bibi.vn/component/option,com_specialsub/task,showDetail/content_id,595/cat_code,TDTLT/sub_code,23TUOI/ ). Ăn lại còn chậm như bọn trẻ ở nhà thì cứ gọi là thôi bữa nọ xong thì tiếp luôn bữa kia, chẳng còn mở mắt ra được nữa. Chả hiểu mấy bác phát minh ra cái thực đơn này có nuôi con theo thế không mà đi khuyên con người ta như thế.

Ở Nhật, từ khi mang thai, các bà mẹ đã có ý thức ăn uống vừa phải. Chỉ được phép tăng khoảng 10 kg. Mẹ bầu Mít chung kết là tăng 13 kg, mà bị nhắc nhở suốt thai kỳ. Rất hiếm người tăng đến 13 kg khi mang bầu. Họ không cho rằng mẹ phải ăn thật nhiều để con to khỏe mới là tốt. Quan niệm bà bầu phải ăn cho 2 người giờ đến bà già ở đây cũng tuyên bố là cổ hủ lạc hậu. Hehe…Trẻ con Nhật sinh ra thường chỉ từ 2,8 kg đến 3 kg. Mít trong bụng mẹ luôn bị bác sĩ lắc đầu: to quá, trong khi nói kích thước ra thì ở VN bảo có gì đâu mà to. Vì kiểm soát sức khỏe như vậy, các bà mẹ Nhật sinh con xong rất nhanh chóng trở lại form ban đầu, đi khám định kỳ 1 tháng sau sinh mẹ đã mặc quần cạp trễ cũng không hiếm gặp, trông cứ phơi phới như thiếu nữ…con 3-4 tháng là hầu hết mẹ đều trở lại thon thả như thường. Trong khi ở Việt Nam các bà béo ú béo ụ sau sinh được coi là bình thường…phải béo thế mới có sức, ai không béo mới là có vấn đề cần lo lắng. Con đến cả 1 tuổi, 2 tuổi rồi mà mẹ vẫn béo. Và rồi không bao giờ trở lại số đo cũ cũng là điều đương nhiên. Thực tế thì phụ nữ Nhật họ đâu có béo mà họ vẫn khỏe, một mình một tay nuôi 2-3 đứa con trứng gà trứng vịt làm gì có người giúp việc (người Nhật còn thường đẻ rất dày nữa), chồng thì đi làm đến 11 giờ đêm mới về… không khỏe sao làm vậy được. Về lâu về dài, người Nhật cũng vẫn là người sống lâu nhất thế giới. Chưa nói đến khía cạnh mẹ béo, con to quá dễ sinh đủ các thứ bệnh. Ở đây, Mít trong bụng mẹ siêu âm thấy hơi to một chút (ở mức độ nếu ở VN thì sẽ đáng tự hào hơn là lo), thì bác sĩ Nhật đã yêu cầu mẹ thử máu xét nghiệm tiểu đường ngay từ trong thai kỳ.

Một đứa trẻ và một bà mẹ ở Việt Nam được khen là nuôi con tốt khi đứa trẻ đó bụ bẫm, thậm chí là béo. Nhiều đứa trẻ cân nặng đã nằm trong miền báo động thì bố mẹ lại tự hào, rồi được lấy làm gương cho những đứa khác, nhiều đứa trẻ hoàn toàn bình thường thì ai cũng xót xa: nó gầy quá. Bà mẹ nào cứng bóng vía thì cũng sẽ bị ông bà, cô dì chú bác, người thân quen dèm pha: nuôi con kiểu gì mà nó bé tý thế. Thằng X, con bé Y, cũng ngần ấy mà nó nặng … kg rồi cơ đấy. Một trong những lời thăm hỏi nhau không thể thiếu là thằng bé, con bé mấy kg rồi? Ngay như Ổi, lần nào gọi điện nói chuyện với ông bà cũng không thể thiếu nội dung cân nặng. Hehe…

Trẻ con Nhật về VN chắc là bị chê suy dinh dưỡng hết lượt. Ở khu nhà Ổi, tất cả bọn trẻ con đều nhỏ hơn Ổi ở độ tuổi tương đương. … Ở Yochien, Ổi là đứa lớn gần nhất lớp nhưng mà về VN chẳng là gì hết. Nhưng các bà mẹ Nhật ở đây họ không than vãn con còi, không tìm cách ép con ăn. Họ chỉ cần nó khỏe, ngoan, nghịch ngợm phát triển bình thường là được. Thay vì chú trọng nhồi cho con béo, họ đem con ra ngoài vận động nhiều để phát triển thể lực, phát triển trí tuệ. Thay vì sợ con cảm ốm sẽ sụt đi vài lạng, con được ra ngoài chơi là quan trọng hơn. Con cởi tất ra để tập chịu rét tăng sức đề kháng là quan trọng hơn. Bọn trẻ con Nhật mũi dãi ròng ròng mà chân không tất, sờ vào lạnh ngắt như kem là cảnh thường thấy…Chẳng phải kháng sinh gì hết. Lớn lên chúng khỏe. hehe … Mẹ ở VN mà thế sẽ bị chê là lười biếng, chăm con không chu đáo. Nhưng kết quả là ra ngoài rồi mới thấy giống người yếu nhất thế giới là người Việt Nam. Đi bộ vài trăm mét đã thở ra đằng tai. Trời hơi lạnh đã áo đơn áo kép mà vẫn cảm cúm tùm lum…

Con bé Miku-chan cháu bà Etchan, nửa năm không tăng cân tý nào, mới gặp lần trước 11 tháng 9.5 kg tròn xoe như bóng, lần sau 18 tháng vẫn chỉ có 9.8 kg, gầy nhẳng. Bảo mẹ nó là nó bé, mẹ nó cãi: không bé đâu, bình thường đấy. Trong khi vào WTT, 10 mẹ thì 9,5 mẹ kêu con lười ăn, kêu nó bé, trong khi chỉ số đưa ra so với bọn Nhật này còn cao chót vót. Nhìn thực đơn thì toát mồ hôi, thấy ăn ăn uống uống suốt ngày, thế mà vẫn con lo tính nhồi thêm. Hóa ra kêu ca hay đau khổ cũng là do mình nghĩ thế nào thì nó là như thế thôi.

Vì không chăm chắm lo cho nó tăng cân, nên vào những khoảng thời gian sinh lý, lúc bé ốm đau, bé lười ăn hơn thì họ cũng không sốt ruột mà ép uổng bé, dẫn đến ấn tượng sợ ăn, và mắc bệnh chán ăn mãn tính luôn.

Cũng chính vì không ép ăn nên bọn trẻ con Nhật đứa nào cũng thèm ăn. Mỗi khi đi chơi hoặc có bạn đến nhà. Đem bánh kẹo hoa quả ra là bọn trẻ con Nhật nhảy bổ tới, còn Ổi dửng dưng như không. Mẹ Ổi thì dỗ con: con ăn cái này không? Con ăn cái kia không? Còn các mẹ khác thì: Ăn nốt cái đó thôi đấy nhé. (Họ nói thế trong khi con họ bé tý đấy nhé, ở VN là bị coi là còi đấy nhé). Ổi ăn được 1 cái thì bọn kia chả xơi hết cả chục cái rồi…. Kết quả chung cuộc là đứa trẻ không bị ép, không bị mắc chứng chán ăn, sẽ ăn nhiều hơn nhiều. Bố mẹ thì nhàn tênh.

Thế tại sao ăn thế mà không bụ? bởi vì cũng sẽ có bữa chúng nó hầu như chẳng ăn gì. Không sao, không phải canh từng bữa. Lúc nãy nó ăn 1 quả quít với bánh sembei rồi. hêhê…(những 1 quả quít cho bữa tối cơ đấy), 1 tuổi đã không uống sữa gì hết, cũng chẳng sao…chẳng 1 lời than vãn sốt ruột nào. Nó không thích, đơn giản thế thôi.

Mọi người sẽ bảo: cuối cùng thì là chúng nó vẫn còi là không ổn rồi. Đúng, chúng nó còi nhưng chúng nó sau này vẫn cao 1m7, 1m8 cả, chúng nó khỏe, dai sức. Chúng nó còi nhưng thói quen ăn uống tốt. Không làm bố mẹ phiền lòng. 1 tuổi rưỡi là đi chơi khắp nơi ăn cái gì chung với bố mẹ cũng được rồi. 2 tuổi ngồi bàn đàng hoàng, tự xúc cơm, mì ăn nhanh như người lớn…kết thúc bữa cùng người lớn không phải đợi chờ giục giã. Bố mẹ con cái có nhiều thời gian vui vẻ hạnh phúc với nhau thay vì mặt nặng mày nhẹ vì bữa ăn. Tự lập và tự tin, vì được tôn trọng ý thích, được làm theo ý thích của mình, không bị nghe bố mẹ rầy la. Đó là những cái mà bọn trẻ và bố mẹ của chúng được.

Không đáng để học tập sao?

Mẹ Mít đang học để làm cho Mít đây.

Đây là tiến độ tập ăn của Mít

Giai đoạn sơ kỳ: (5-6 tháng)

5 tháng: bắt đầu tập ăn dặm, tập từ 1 thìa cháo trở đi (1 thìa là 5 ml). (Tăng dần lên từng thìa, cho đến khi ăn được 6 thìa = 30ml).

Cháo trắng nấu tỷ lệ 1:10 (1 gr gạo 10ml nước). nghiền nhuyễn, rây qua lưới, (hoặc xay cũng được), không nêm gì hết.

Giai đoạn này thực chất chỉ là tập ăn, tập làm quen với thìa, tập nuốt. Còn lượng ăn rất ít, vẫn ăn sữa như bình thường.

6 tháng- Chính thức ăn dặm. Gọi là chính thức nhưng mỗi bữa vẫn chỉ 40ml thôi, thêm 10-15ml rau. Sữa vẫn là chính. Ăn cháo xong uống bù thêm sữa tùy nhu cầu. So với các bạn ở VN thì cực ít, nhưng mẹ cháu vẫn hỉ hả lắm… Nếu bát cháo 200ml theo công thức của VN chắc chắn Mit chán không ăn hết.

Mỗi bữa tổng cộng khoảng 60ml (40ml cháo, 15ml rau).

Cháo bánh mỳ, chỉ nghiền bằng tay, không rây nữa

6.5 tháng

Khi bé đã quen với thìa, biết nuốt, tầm 6-6,5 tháng, bắt đầu không rây nữa (tương đương với không dùng máy xay nữa). Cháo nghiền cho hạt vỡ ra (hoặc nấu từ cháo gạo vỡ). Tỷ lệ vẫn là 1:10.

Mẹ cháu được một người bạn từ VN sang cho 1 túi gạo vỡ. Ko biết là cỡ bao nhiêu, chỉ biết hạt rất nhỏ, như hạt tấm thôi. Mấy ngày đầu thì mẹ cháu nấu xong lại đem nghiền thêm 1 chút nữa. Sau đó khoảng 1 tuần thì cũng không nghiền nữa. Túi gạo 0,5 kg, ăn hết là khoảng 2 tuần, cũng vừa vặn tốt nghiệp cháo gạo vỡ.

Khoảng 6 tháng 3 tuần, Mít ăn cháo gạo vỡ, lổn nhổn thế này:

Mít ăn Sembei (một loại bánh gạo của Nhật). Dù chưa có chiếc răng nào cả.

chiếc bánh sau vài phút

Đến cuối giai đoạn sơ kỳ, chỉ nghiền sơ sơ. (tương đương với cháo hạt cỡ to)

Ở Nhật có bộ đồ chế biến ăn dặm, và họ không dùng máy xay. Theo kinh nghiệm mẹ Ổi đã từng dùng máy xay với Ổi và lần này dùng bộ chế biến tay với Mít thì dùng máy xay rất khó để điều chỉnh độ thô. Để chuyển đổi từ dạng xay nhuyễn sang dạng thô hơn thì nên dùng gạo vỡ (nếu bé khó khăn thì nghiền thêm bằng cối nghiền).  Máy xay hoặc là nhuyễn hẳn, hoặc là vẫn có chỗ thô quá, bé dễ ọe.

Bộ đồ chế biến ăn dặm bằng tay.

Giai đoạn Giữa kỳ (7-8 tháng)

Mít về VN đến 8,5 tháng mới quay lại Nhật, trong thời gian ở VN mẹ cháu không chụp ảnh món ăn nên không có tư liệu.

Tiến độ tập ăn thì thế này

Đầu giai đoạn giữa kỳ

7 tháng 1 tuần: Cháo hạt loãng 1 gạo 8-10 nước. Thịt xay. Rau luộc chín rồi dùng dụng cụ chế biến ăn dặm để mài (thô hơn xay 1 tý).

8 tháng: cháo hạt đặc hơn, 1 gạo 7 nước. Thịt vẫn xay. Rau băm.

Với độ nhão này, Mít vẫn nuốt chửng thức ăn. Nhưng về khả năng nuốt thô thì ổn. Cháo hạt 1:7 khá đặc, rau lá mẹ băm nhỏ, Mít ăn và nuốt rất tốt

8,5 tháng: Chuẩn bị sang giai đoạn sau, Cháo hạt đặc hơn nữa: 1 gạo 5-6 nước.

Là lá la la…Mít bắt đầu có phản xạ nhai rất rõ rệt.

Có sách trong tay, có kinh nghiệm các bé ở Nhật xung quanh mình, mẹ mạnh dạn hơn, và mẹ phát hiện ra thêm một niềm vui tuyệt vời nữa, mà hồi nuôi Ổi mẹ chưa biết đến, là mỗi phát triển của con trong sự nghiệp tập ăn. Hầu như là mỗi tuần Mít đều có tiến bộ. Hầu như mỗi ngày con đều làm cả nhà cười sung sướng. Này nhé. Mấy hôm trước thì xoài, đu đủ, chuối phải dùng thìa nạo, vài hôm sau đã ăn được miếng xắt 1-2 mm. Vài hôm nữa lại miếng to hơn. Cùng 1 món mà bố mẹ liên tục bất ngờ vì những tiến bộ của em. Lúc thì đi ăn hàng với bố mẹ, em đã có thể ăn từng mẩu xúp lơ xanh đến hết cả bông lơ của anh Ổi. Lúc thì sáng đòi ăn mì tôm, sợi dài em mút tụt vô miệng chén ngon lành…làm cả nhà cứ mắt tròn mắt dẹt … Em nuốt thô ngày càng thành thạo. Nhai bằng lợi ngày càng giỏi hơn.

Mít còn biết hút bằng ống hút nữa rồi nhé. Ai lại cứ xúc từng thìa nước nữa, chẳng ra dáng tý nào. Sau mỗi bữa ăn bây giờ em cầm cốc tu vài phút là hết tiêu 50 ml nước hoa quả.

(Về kinh nghiệm tập cho uống ống hút: Mấy ngày đầu Mít chỉ biết cắn cắn chơi chơi, thỉnh thoảng mút 1 cái, chẳng may có tý nước vào miệng. Nhưng bữa nào mẹ cháu cũng dọn ra, cho Mít quen dần. Khoảng 1 tuần là Mít hiểu, trong cái cốc đó có nước. Nếu mút thì sẽ được nước vào mồm)

. Thịt băm, Răm xắt nhỏ. Hoa quả mềm như đu đủ, xoài xắt nhỏ 2 mm.

Giai đoạn Cuối kỳ

9 tháng: Bây giờ thì Mít đã ăn thô giỏi lắm rồi. Có vẻ như Mít đã rất sẵn sàng để ăn cơm như của bố mẹ..Mít cực kỳ thích ăn cơm người lớn. Bố tham hay cho cả thìa cơm mà Mít cũng ăn vèo cái hết. (cơm gạo Nhật mềm và dẻo mà). Lại rất thích thức ăn của bố mẹ. Bữa cơm của cả nhà là Mít phải lượn 1 vòng bằng hết các món thì thôi. hehe…không có món gì thoát khỏi hai hàm …lợi của Mít … hehe … đến thời điểm này Mít mới nhú được 1 chiếc răng khoảng 1 mm, 1 chiếc có vẻ đang chọc lợi lên. Với vốn “công cụ lao động” ít ỏi thế mà Mít đã cắn được từng miếng bánh vỡ ròn tan, cắn chuối từ quả chuối bố cầm, cắn dâu tây … còn miếng thì xắt to cỡ đầu ngón tay là vô tư rồi.

Theo sách thì đáng ra đầu giai đoạn cuối kỳ, lúc này vẫn ăn cháo 1:5 (1 gạo 5 nước), nhưng vì Mít rất thích ăn đặc, nên mẹ cháu nấu 1 gạo 3-4 nước (như cơm nát rồi). Rau xắt khúc.

Ăn thô được, thực đơn của Mít đa dạng hơn nhiều rồi. Mít ăn đủ cả: gạo, spaghety, undon (mỳ Nhật), bánh mỳ, corn flake,…

9 tháng

10 tháng

11 tháng

Mẹ thường đổi bữa cho Mít ngày 3 vị khác hẳn nhau. Sáng bánh mỳ, hoặc mỳ ống, khoai tây, khoai lang, corn flake….Trưa thì mì Nhật, bún phở,… tối cơm, …rau thịt cũng mỗi bữa một kiểu. Trộm vía, cho Mít ăn là một công việc vô cùng thú vị. 2 mẹ con cứ toe toét hỉ hả với nhau… Nhìn cái miệng em nhai mà yêu không tả được…Nghĩ lại ngày xưa anh Ổi bị mẹ nhét sáng cháo chiều cháo tối lại cháo. Huhu… thương Ổi quá.

Mít hút ống hút quá thành thạo rồi. Cực thích uống nước. Má tóp cả vào mà mút, điều chỉnh tốc độ mút và tốc độ nuốt nhịp nhàng, tọp tọp tọp tọp….hihi …yêu thế. Nhoắng cái hết nước…

Với tiến triển như bây giờ thì mẹ cháu đã nhìn thấy trong tầm tay chuyện đi chơi ngày chủ nhật không cần mang thức ăn riêng cho Mít rồi. Hihi…

………………….

………………….

Mít 11 tháng ăn chuối và dâu tây Nhai nuốt rất tốt khi mới chỉ có 4 răng. (click để xem)

Mít tập xúc ăn lúc 12,5 tháng

Giai đoạn hoàn thiện: 1 tuổi-1,5 tuổi

Tình hình ăn uống của Mít lúc 15 tháng: Một đứa trẻ không bị đánh mất niềm vui ăn uống sẽ muốn thử thức ăn khi thấy món mới, thấy ai uống gì cũng xin. Đối với đứa trẻ này, ăn là khám phá, ăn là thích thú. Còn với những đứa trẻ như Ổi, khi đã có một quãng thời gian dài bị ép ăn thứ mình không thích, bị ấn tượng sợ ăn thì ngay cả bây giờ đã ăn ngon miệng với hầu hết mọi thứ, nhưng vẫn còn di chứng: Phản ứng hoàn toàn ngược lại với Mít khi có đồ ăn không quen, luôn dè chừng, từ chối thử, với tâm niệm sẵn trong đầu: nó không ngon, không cần thử cũng biết. Mà ngày xưa hồi mới ăn dặm Ổi cũng thích ăn, ăn nhanh lắm đấy. Huhu…

Nguồn hangtuan.net

Order Hàng Nhật Dịch Vụ Order Hang Nhat Giá tốt ________________________________________________________________

Đầu tư là gì? Kiến Thức Đầu Tư Chứng Khoán Quan Trọng Nhất

Mở tài khoản chứng khoán TechcomBank nhanh chóng, thuận tiện giao dịch, bảo mật tuyệt đối.

Đầu Tư Chứng Khoán Xu Hướng Đầu Tư 2021 Hướng dẫn kiếm tiền từ đầu tư chứng khoán

Khóa Học Đầu Tư Chứng Khoán - Khóa học chứng khoán online (miễn phí) cho người mới bắt

Bạn cũng có thể thích

Bình luận

WP2Speed by Hoangweb.com